Việt Nam
UNDP tại Việt Nam
Giới thiệu về UNDP tại Việt Nam
Quan hệ đối tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chính thức bắt đầu từ năm 1978, khi rất ít các nhà tài trợ có mặt ở Việt Nam. Kể từ đó, UNDP luôn kề vai sát cánh với Việt Nam trong suốt chặng đường phát triển từ một nước nghèo bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh trở thành nước có thu nhập trung bình, đi đầu trong nỗ lực giảm nghèo và tăng trưởng.
UNDP hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác tăng cường lựa chọn cho người dân và đảm bảo cho mọi người đều có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Trong cuộc gặp tại Trụ sở Liên hợp quốc vào tháng 5 năm 2022, Tổng giám đốc UNDP Achim Steiner và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã tái khẳng định mối quan hệ đối tác của UNDP-Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước nhằm phục hồi kinh tế xanh, bao trùm và chuyển đổi năng lượng công bằng.
Văn kiện chương trình quốc gia hiện nay cho giai đoạn 2022-2026 được thiết kế phù hợp với các ưu tiên Việt Nam đề ra trong Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội (2021-2030), và Khung chiến lược của UNDP (2022-2026). Chương trình của UNDP nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, được dẫn dắt bởi ba định hướng đổi mới trong Khung chiến lược của UNDP và được hỗ trợ bởi ba yếu tố: Đổi mới sáng tạo mang tính chiến lược, Số hóa, và Tài chính cho phát triển.
- Lĩnh vực thành quả 1: Xây dựng sự thịnh vượng chung thông qua chuyển đổi kinh tế
- Lĩnh vực thành quả 2: Biến đổi khí hậu, Tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai & Môi trường bền vững
- Lĩnh vực thành quả 3: Quản trị công
UNDP hỗ trợ phát triển năng lực thiết kế và thực hiện chính sách dựa trên nguyên tắc quản trị AAA (Tiên lượng, Thích ứng, Nhanh nhạy) để giải quyết những thách thức phức tạp và ứng phó với những vấn đề mới, thông qua:
- Thu thập và phân tích dữ liệu nhằm giải quyết những hình thức nghèo đa chiều mới, đặt thiên nhiên và môi trường vào vị trí trung tâm của phát triển kinh tế;
- Thúc đẩy số hóa và đổi mới toàn diện, lấy con người làm trung tâm;
- Xem xét lại các lựa chọn chính sách và điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế;
- Thử nghiệm và nhân rộng các mô hình triển khai thành công; và
- Phát triển các nền tảng nhằm nâng cao khả năng hoạch định tài khóa và huy động nguồn lực.