Bài viết của bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam
Triển vọng kinh tế tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng
21 November, 2022
Bài đăng trên Financial Times tháng 01 năm 2023.
Chính sách linh hoạt và chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 thành công đã mang lại những tiến bộ ấn tượng cho triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn nhiều thử thách. Có nhiều rủi ro đối với tăng trưởng trong tương lai, chủ yếu liên quan đến các yếu tố bên ngoài.
Năm 2022, Việt Nam vượt trội hơn so với các quốc gia khác trong khu vực nhờ vào sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu tăng mạnh trong mấy quý và hoạt động du lịch quốc tế dần trở lại. Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và rủi ro bất ổn tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong năm tới và năm 2024.
Đây là nội dung sẽ được thảo luận tại Nhịp đập Kinh tế Việt Nam (VEP), một diễn đàn kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc tổ chức. Diễn đàn VEP vào Thứ Ba, ngày 22 tháng 11, sắp tới sẽ đề cập đến quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và các chính sách nhằm duy trì tăng trưởng và phát triển trong năm tới.
VEP được Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNDP ra mắt vào năm 2021 nhằm tạo ra một diễn đàn mới để thảo luận về các vấn đề kinh tế ở Việt Nam, bao gồm ý kiến của doanh nghiệp và giới học thuật cùng với chính phủ và các đối tác phát triển. Mỗi phiên thảo luận bao gồm phần phân tích về những diễn biến kinh tế gần đây, đóng góp từ các chuyên gia về những mối quan tâm mới đang nổi lên và thảo luận mở về các vấn đề kinh tế chính hiện nay. Vào tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên cao hơn 1% so với mức dự báo được công bố vào tháng 4. IMF hiện kỳ vọng tăng trưởng sẽ đạt 7% trong năm nay và 6,7% vào năm 2023. Không một quốc gia nào khác trong khu vực có triển vọng cải thiện nhanh như Việt Nam. Mặc dù giá năng lượng cao hơn đã dẫn đến giá cả trong nước tăng, lạm phát vẫn được duy trì ở mức thấp hơn, nhờ vào bình ổn giá lương thực và các nhu yếu phẩm khác.
Bằng chứng về sự phục hồi mạnh mẽ là tin đáng mừng sau hai năm gián đoạn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Các hộ gia đình Việt Nam sẽ bước vào năm Quý Mão 2023 với tình hình tài chính tốt hơn so với cùng thời gian năm ngoái.
Rủi ro ngắn hạn chủ yếu đến từ bên ngoài, bao gồm tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với giá năng lượng, phân bón và lương thực, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lãi suất tăng và chính sách thắt lưng buộc bụng tài chính ở các nước thu nhập cao. Suy thoái sâu ở Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam và có thể làm giảm lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu xuất khẩu đã yếu đi, với các báo cáo về việc các nhà máy chuyển sang chế độ làm việc bốn ngày một tuần hoặc tạm dừng tuyển dụng nhân sự mới cho đến khi tình hình được cải thiện.
Lãi suất tăng ở Mỹ đã củng cố giá trị của đồng Đô la Mỹ so với hầu hết các loại tiền tệ, bao gồm cả Việt Nam Đồng. Do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu thô nhập khẩu và các yếu tố đầu vào khác nên đồng VND yếu hơn không làm cho hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn. Đồng Đô la Mỹ mạnh hơn và lãi suất cao hơn sẽ ảnh hưởng xấu đến các công ty Việt Nam đã vay tiền ở nước ngoài khi lãi suất thấp, đặc biệt là các công ty kiếm được phần lớn doanh thu bằng đồng Việt Nam.
Khi lãi suất toàn cầu tăng lên, các công ty và lĩnh vực dựa vào tín dụng giá rẻ sẽ gặp căng thẳng. Chúng ta đã thấy các vụ phá sản trên thị trường tiền điện tử và bong bóng giá bất động sản đang bùng phát ở một số quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, các nước Bắc Âu, Trung Quốc và Úc. Bất ổn tài chính có thể xảy ra nếu các nhà phát triển bất động sản và chủ sở hữu nhà vỡ nợ với số lượng lớn.
Tại Việt Nam, suy giảm nhu cầu đối với bất động sản nhà ở đã tạo ra những gợn sóng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với tác động tràn tiêu cực trong ngành ngân hàng. Hành động nhanh chóng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giúp ổn định tình hình, nhưng kinh nghiệm này là một lời nhắc nhở kịp thời rằng thị trường vốn của Việt Nam sẽ vẫn là một canh bạc rủi ro cho các nhà đầu tư cho đến khi chất lượng báo cáo tài chính được cải thiện.
Việt Nam cần các thị trường vốn năng động để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng của đất nước và tài trợ cho quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các hệ thống sản xuất năng lượng tái tạo, xây dựng, chế tạo và nông nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển của những thị trường này bị kìm hãm bởi sự thiếu minh bạch giữa các ngân hàng, người đi vay và người bảo lãnh.
Sở hữu chéo và cho vay liên kết trong ngành ngân hàng vẫn còn phổ biến bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm loại bỏ những hành vi này sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Thông tin đầy đủ về sở hữu ngân hàng và tình hình tài chính của các ngân hàng và chủ sở hữu của họ là điều cần thiết để xây dựng niềm tin trong ngành.
Các nhà phát triển bất động sản cũng đã bị phát hiện là phóng đại lợi nhuận, che giấu các khoản lỗ và thổi phồng giá trị của tài sản. Các thông lệ kế toán đáng ngờ và báo cáo không đầy đủ làm phức tạp thêm nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc phân biệt các dự án khả thi với các dự án mất khả năng thanh toán, điều này có ảnh hưởng xấu đến hệ thống tài chính trên diện rộng hơn.
Điều làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn là sự nhầm lẫn và thiếu rõ ràng xung quanh quyền sở hữu đất, quyền sử dụng đất và giấy phép phát triển. Do giá trị đất đai được thế chấp gắn chặt với tính pháp lý của nó, thị trường đất đai thiếu minh bạch sẽ làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính.
Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào sự phát triển của thị trường nội địa sâu, có tính thanh khoản và được quản lý tốt đối với tín dụng ngân hàng, trái phiếu và cổ phiếu. Các doanh nghiệp cần tiếp cận với nguồn tài chính trong nước dài hạn để nâng cấp năng lực, công nghệ và phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Vốn nước ngoài có thể là nguồn bổ sung hữu ích cho nguồn tài chính trong nước nhưng trên thực tế, gánh nặng huy động vốn cho đầu tư phần lớn sẽ phụ thuộc vào thể chế Việt Nam. Thu hẹp khoảng cách trong quản trị công ty và báo cáo là điều kiện tiên quyết cần thiết cho sự tăng trưởng của thị trường vốn và triển vọng phát triển bền vững, công bằng của Việt Nam.